KT&PT, số 209 tháng 11 năm 2014, tr. 32-41
Tóm tắt: Trong những năm qua, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự phát triển công nghiệp ở Việt Nam cũng bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Biểu hiện tập trung nhất của tình trạng này là nền công nghiệp còn mang nặng tính chất gia công/lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và lệ thuộc vào nước ngoài. Chuyển công nghiệp từ tình trạng này thành nền công nghiệp chế tạo, thực hiện các khâu phức tạp có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những nội dung trọng yếu của tái cơ cấu công nghiệp. Từ phân tích vị trí của hoạt động gia công/lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu, bài báo đã phân tích làm rõ tính chất gia công/lắp ráp của nền công nghiệp Việt Nam và những hệ lụy của phát triển công nghiệp theo kiểu này. Từ đó, bài báo tập trung trình bày hai khuyến nghị cơ bản để thúc đẩy chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công/lắp ráp sang nền công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao. Đó là: xác định rõ yêu cầu và nội dung của tái cơ cấu ngành công nghiệp trong khuôn khổ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Từ khóa: Chuỗi giá trị toàn cầu; gia công và lắp ráp; chế tạo; giá trị gia tăng; tái cơ cấu; mô hình tăng trưởng; công nghiệp hỗ trợ.