KT&PT, số Đặc biệt, tháng 11 năm 2013, tr. 33-40
Tóm tắt: Dựa vào 3 mục tiêu tuyển sinh: (i) lựa chọn thí sinh có khả năng thành công trong chương trình, (ii) khẳng định uy tín của nhà trường và (iii) giúp thí sinh bước đầu định hướng nghiêm túc về học tập và nghề nghiệp, các trường đại học quốc tế xây dựng phương thức tuyển sinh ngành kinh doanh phù hợp với quan điểm và vị thế của nhà trường, bao gồm xét duyệt các yếu tố tiên quyết là kết quả học THPT, trình độ tiếng Anh (đối với thí sinh nước ngoài), các yếu tố có thể lựa chọn là yêu cầu điểm bài thi, viết luận, phỏng vấn, nội dung đơn đăng ký. Theo các tiêu chí trên, phần lớn các chương trình liên kết tại Hà Nội chưa có sự vận dụng thông lệ tuyển sinh quốc tế ngành kinh doanh, mà đơn giản hóa quy trình tuyển sinh bằng cách sử dụng điểm thi đại học và kiểm tra tiếng Anh đầu vào để xếp lớp. Chỉ có 2 chương trình tại ĐHKTQD và Học viện Ngân hàng cho phép thí sinh thi tuyển để thay thế cho kỳ thi đại học. ĐHKTQD cũng yêu cầu thí sinh phải viết bài luận và phỏng vấn nhằm đánh giá thí sinh một cách toàn diện, như thông lệ tuyển sinh quốc tế. Sự thiếu sáng tạo trong công tác tuyển sinh cùng với sự cứng nhắc trong việc áp dụng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điểm sàn thi đại học khiến cho các mục tiêu chính của công tác tuyển sinh chưa thực sự được đáp ứng tại các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Từ khóa: Liên kết đào tạo quốc tế, phương thức tuyển sinh, mục tiêu tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh.