Sáng nay 29/7/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, MASEI và Viện Fraser Canada đồng tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam".
Quang cảnh toạ đàm
Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu khách mời có PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn trường; đại diện các cơ quan Bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các đối tượng bị tác động bởi chính sách và các cơ quan thông tấn báo chí đến tham dự và đưa tin.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ cho biết, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ với Việt Nam hiện nay, do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam. PGS.TS Bùi Đức Thọ hi vọng thông qua tọa đàm này, một sự kiểm định toàn diện về sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam thông qua chỉ số EFW sẽ giúp chúng ta chuẩn đoán những thách thức và cơ hội hội cho sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH, Trường ĐH KTQD trình bày tham luận "Sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam và một số vấn đề đặt ra: nhìn từ bộ chỉ số Economic Freedom of the World của Fraser Institute, Canada"
Theo PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, xét về tổng thể, Việt Nam xếp hạng 119 trong tổng số 162 nước về chỉ số tự do kinh tế thế giới vào năm 2017. Xếp hạng hiện tại cho thấy Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn các cấu phần khác nhau để đuổi kịp các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam thể hiện kém nhất ở phương diện “đồng tiền tốt” (Sound Money), xếp hạng thứ 141 trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số này thấp là vì sự hiện diện của các quy định hạn chế người dân được mở tài khoản ngoại tệ. Bên cạnh đồng tiền tốt, các tiêu chí quy định về thị trường lao động, tự do thương mại quốc tế và điều chỉnh điểm đối với các quyền liên quan đến giới của Việt Nam đều tụt lại phía sau nhiều quốc gia khác với vị trí lần lượt là 128, 127, và 124. Quy định về thị trường tín dụng lại thể hiện khá tốt với xếp hạng thứ 63. Về chỉ số quy mô chính phủ, Việt Nam xếp thứ 70, đây là con số phản ánh nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc giảm gánh nặng của khu vực công lên khu vực tư trong một số năm gần đây.
TS. Fred McMahon - The Fraser Institute, Canada trình bày trực tuyến tham luận "Tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển: kinh nghiệm trên thế giới"
Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, TS. Fred McMahon - The Fraser Institute cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi. Những quốc gia thịnh vượng nhất cũng là những quốc gia có tự do kinh tế cao nhất. Theo TS. Fred McMahon, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này. Ở những quốc gia có tự do kinh tế cao thì tuổi thọ cao hơn, thu nhập trung bình hơn 36.000 USD, tỷ lệ người dân sống điều kiện cực nghèo rất thấp (1,8% dân số). Trong khi ở các nước có tự do kinh tế thấp thì có tới 40,5% dân số cực nghèo và có hơn 27% dân số tương đối nghèo và thu nhập bình quân chỉ ở mức 6.100 USD. TS. Fred McMahon cũng lưu ý khi các quốc gia ngày càng giàu thì tốc độ tăng trưởng chậm dần và nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao thì nay tàn phai vì thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế. Ông nhấn mạnh: Tự do kinh tế tạo ra động năng để nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó cũng là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương trình bày tham luận "Kiến nghị giải pháp cải cách thể chế thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ"
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế thị trường tại Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) do Fraser Institute của Canada xây dựng, các chuyên gia tại tọa đàm chỉ ra khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ tự do kinh tế, mức độ của kinh tế thị trường với sự thịnh vượng của quốc gia.
Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường. Thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995, thứ hai là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng. GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.
Đồng tình với quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có khác biệt với kinh tế thị trường hiện đại là vai trò của nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội. Do đó, TS. Cung cho rằng, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, trong đó, trọng tâm là việc thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Ngoài ra, cần giải pháp giúp thị trường hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch.
Đoàn chủ toạ điều hành phiên thảo luận tại toạ đàm
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Tại toạ đàm các chuyên gia đã đưa ra nhiều nghiên cứu trong đó tập trung về các vấn đề cấp thiết, cải thiện môi trường kinh doanh, kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam, khuyến nghị chính sách để cải thiện bộ chỉ số EFW, qua đó đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại toạ đàm
Các chuyên gia trả lời phỏng vấn bên lề toạ đàm
Nguồn:
Cổng thông tin NEU